CÁC TRƯỜNG HỢP TÒA ÁN QUYẾT ĐỊNH XÉT XỬ KÍN THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Căn cứ khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
 
Đồng thời, tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ: “Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
 
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì có một số trường hợp sẽ xét xử kín như sau:
 
Thứ nhất, trong một số vụ án hình sự nếu tòa xét thấy cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục. Những vụ án có những tội danh liên quan đến bí mật nhà nước như làm lộ bí mật nhà nước, đánh tráo, chiếm đoạt bí mật nhà nước,… Bí mật nhà nước là một phạm vi bao trùm lên nhiều lĩnh vực, có những thông tin, tài liệu, những chính sách, thủ tục để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mà nhà nước quy định hạn chế thông tin, những thông tin tài liệu đó thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước và được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản dưới luật. Ngoài ra những vụ án có những hành vi dâm ô, trái với thuần phong mỹ tục, nếu xét xử công khai sẽ có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội cũng là những vụ án mà Tòa án có thể quyết định xét xử kín. Với những vụ án loại này thì Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định xét xử kín để tránh những hiệu ứng tiêu cực đến xã hội, bảo vệ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
 
Thứ hai, đối với những vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi mà Tòa án xét thấy phải bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi trong vụ án có thể là người bị hại hoặc bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, hành hạ, làm nhục, giết người,… mà bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi.
 
Thứ ba, với một số vụ án không có trẻ em nhưng có phụ nữ bị xâm hại tình dục, bị hành hạ, làm nhục hoặc những vụ án xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của công dân, xuất phát từ quyền giữ kín bí mật đời tư của chính đương sự trong vụ án. Vì vậy, đối với những vụ án thuộc nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân hoặc một số tội danh khác mà việc xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân của đương sự trong vụ án thì đương sự có thể làm đơn đề nghị xét xử kín để Tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
 
Khi Tòa án quyết định xét xử kín thì chỉ có những người có giấy triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Các cơ quan báo chí không được phép đưa tin về diễn biến phiên tòa tuy nhiên có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.
 
Pháp luật quy định, khi Tòa án quyết định xét xử kín thì các tình tiết, diễn biến của phiên tòa không được phép công khai, những người không được triệu tập thì sẽ không được chứng kiến diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên khi Tòa án tuyên án thì nội dung bản án sẽ phải công khai và tất cả các đương sự, những người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả của vụ án thông qua hoạt động tuyên án công khai theo quy định pháp luật.
 
Tham khảo: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 090.640.6868