19
Th10
Vừa qua, trên mạng xã hội có lan truyền 01 clip ghi lại cảnh tài xế ô tô tông hai thanh niên nghi trộm chó.
Theo camera người dân ghi lại, khoảng 6 giờ 55 ngày 18-10-2023, hai thanh niên đi xe máy chở theo bao tải đựng chó, dừng trước căn nhà trong hẻm 149 đường Tân Thới Nhất 17, phường Tân Thới Nhất. Khi xe dừng, người ngồi phía sau ném một con chó đang thoi thóp xuống đường rồi dùng chân đạp mạnh.
Lúc này một ô tô biển số TP.HCM bất ngờ lao từ phía sau, tông vào hai thanh niên và xe máy. Va chạm khiến cả hai văng về phía trước cùng xe máy, chiếc bao tải đựng xác của nhiều con chó rơi xuống đường. Hai thanh niên bị ngã, tìm đường tháo chạy. Tại hiện trường, một xe máy bị bỏ lại cùng bao tải chứa gần chục con chó, gậy chích điện. Ôtô bị hư hỏng phần đầu, xe máy vỡ nát sau hai cú đâm.
Từ sự việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư xin đưa ra quan điểm về hành vi của tài xế taxi nói riêng và người phát hiện đối tượng có hành vi trộm chó nói chung như sau:
– Khoản 1 Điều 111 BLTTHS 2015 quy định: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”
– Điều 24 BLHS 2015 quy định:
“1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo đó, nếu phát hiện đối tượng trộm cắp chó thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ, đây là sự việc thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang.
Trong quá trình thực hiện, người phát hiện đối tượng trộm chó được phép gây ra thương tích cho đối tượng trong mức độ nhất định. Việc gây ra thương tích không phải là hành vi cố ý, mục đích là để bắt giữ đối tượng trộm chó, không nhằm mục đích gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người phạm tội. Gây thương tích trong quá trình bắt giữ tội phạm là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, hành vi sử dụng vũ lực để bắt giữ tội phạm chỉ được thực hiện trong trường hợp phạm tội quả tang. Với những trường hợp chưa có căn cứ rõ ràng đó là người phạm tội hoặc là người đang bị truy nã thì không được phép sử dụng vũ lực một cách tùy tiện để gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Ngoài ra, khi đã bắt giữ được đối tượng phạm tội thì phải bàn giao ngay cho cơ quan chức năng, không được đánh đập, gây thương tích, sát hại người phạm tội quả tang khi họ không còn chống trả, không bỏ chạy nữa. Trong clip nêu trên, người lái ô tô đã chủ động đâm xe vào hai thanh niên đi xe máy chở theo bao tải chó. Mặc dù người lái xe ô tô đã phanh lại để tránh hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên cú va chạm nhẹ đó cũng khiến hai thanh niên ngã ra đường, nhưng không gây ra thương tích gì, đồng thời hai đối tượng này đã bỏ chạy, để lại rất nhiều chó và chiếc xe máy.
Đây là những vật chứng quan trọng để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ đối tượng gây án nhằm xử lý theo quy định của pháp luật. Trong vụ va chạm này nếu hai đối tượng bị thương tích thì cũng không đáng kể và người lái xe ô tô sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Ngược lại, TH gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại sẽ phải chịu xử phạt vi hành chính hoặc trách nhiệm hình sự phụ thuộc mức độ thương tích do hành vi gây ra.