22
Th9
Ngày 20/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi là Nghị định 71 năm 2023 đã bổ sung quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật.
Cụ thể, 04 hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
– Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
– Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
– Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng nêu rõ quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành, cụ thể:
– Đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm, ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ: Áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
– Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về Đảng: Hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về Đảng có hiệu lực;
– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.
Nghị định 71/2023/NĐ-CP đã hiệu lực áp dụng từ ngày 20/9/2023.