16
Th5
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động”.
Như vậy, hành vi người sử dụng lao động thu giữ bản chính giấy tờ tùy thân, các văn bằng, chứng chỉ của người lao động (không phân biệt văn bằng có được do tự đi học hay do doanh nghiệp cử đi đào tạo) là không phù hợp quy định phát luật Lao động.
Đối với trường hợp cố tình đòi hỏi, ép buộc nhân viên giao nộp giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ bản gốc, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chúnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
…
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;…….”
Lưu ý, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng là áp dụng với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức mức phạt tiền áp dụng bằng 2 lần mức phạt tiền cá nhân, tức là từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trả lại giấy tờ tùy thân, chứng chỉ, văn bằng gốc đã thu giữ của người lao động (quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).