10
Th11
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 gửi Tòa án nhân dân Tối cao.
Trong đó, về vấn đề yêu cầu bên thua kiện bồi thường chi phí thuê luật sư, văn bản nêu rõ, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo đó, chi phí thuê Luật sư không thuộc vào trường hợp thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác. Khi xét xử, giải quyết một vụ án dân sự không phụ thuộc hoàn toàn vào sự tham gia của luật sư hay nói cách khác, có hay không có luật sư thì vụ án vẫn được tiến hành giải quyết. Vì vậy Tòa án thường cân nhắc và cho rằng đây không phải chi phí hợp lý, bắt buộc nên đương sự không thể yêu cầu bồi thường về chi phí luật sư.
Căn cứ Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về chi phí cho người phiên dịch, Luật sư như sau:
“1. Chi phí cho người phiên dịch là khoản tiền phải trả cho người phiên dịch trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo thỏa thuận của đương sự với người phiên dịch hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Chi phí cho Luật sư là khoản tiền phải trả cho Luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong phạm vi quy định của tổ chức hành nghề luật sư và theo quy định của pháp luật.
3. Chi phí cho người phiên dịch, luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp Tòa án yêu cầu người phiên dịch thì chi phí cho người phiên dịch do Tòa án trả”.
Nếu căn cứ vào Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật là toàn bộ và kịp thời, thiệt hại phải có thật trên thực tế và là nguyên nhân trực tiếp từ hành vi xâm phạm. Những khoản đương sự phải chi phí thuê Luật sư chính là thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật của người vi phạm. Nếu không có hành vi vi phạm thì người bị thiệt hại không phải bỏ ra chi phí thuê Luật sư, nên chi phí Luật sư có thể được xác định là một khoản thiệt hại.
Mặt khác, căn cứ khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019), pháp luật sở hữu trí tuệ đã thừa nhận chi phí thuê luật sư là khoản thiệt hại và người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường khoản thiệt hại này.
Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị cần xem xét sửa đổi BLTTDS theo hướng xác định chi phí thuê Luật sư là khoản thiệt hại và bên vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, tương thích với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Nguồn: Sưu tầm