Có được đưa thông tin, hình ảnh người nghi ngờ là lừa đảo lên mạng xã hội nhằm cảnh giác mọi người không?

Theo quy định tại Điều 32 BLDS 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và nếu sử dụng vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, đối với 02 trường hợp sau đây, người sử dụng hình ảnh cá nhân được phép sử dụng mà không cần sự đồng ý của người đó:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, nếu nghi ngờ ai đó có hành vi lừa đảo và chứng minh được hành vi lừa đảo đó, có thể đăng hình ảnh người này lên mạng để cảnh giác với bạn bè, người thân hoặc để tìm ra đối tượng lừa đảo. Bởi lẽ, việc đăng ảnh đối tượng lừa đảo trong trường hợp này được coi là sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích cộng đồng. Cần lưu ý rằng, ảnh và nội dung kèm theo cần phải đúng sự thật, không thêm bớt thông tin hay có yếu tố bịa đặt. Đồng thời, người dân cũng có thể đăng lại những hình ảnh đã được đưa tin bởi các trang thông tin chính thống như: Thông tin Chính phủ, trang của các cơ quan Công an…
Ngược lại, trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác đăng lên mạng mà không chứng minh được hành vi lừa đảo của người này thì được coi là hành vi đăng ảnh lên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
(1) Xử phạt vi phạm hành chính:
– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng: Nếu tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân (trong đó có sử dụng hình ảnh của người khác mà không được cho phép) nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP);
– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng: Nếu sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh (điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
(2) Truy cứu chịu trách nhiệm hình sự
Tuỳ vào mục đích của việc sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng, trong đó thông thường được xác định là tội “Làm nhục người khác” tại Điều 155, BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.
________________________________________
Công ty Luật Song Nguyễn TECSS
Hotline: 090.640.6868/ 0987.511.800
Email: songnguyentecss@gmail.com
Địa chỉ: Khu 4A, đường Phan Đăng Lưu, P. Hồng Hải, TP. Hạ Long, Quảng Ninh

Hotline 090.640.6868