Câu hỏi:
Tháng 02/2015, tôi và vợ tôi đăng ký kết hôn. Tháng 12/2017, tôi và vợ tôi có sử dụng số tiền tiết kiệm chung của hai vợ chồng để mua một thửa đất 105 m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi nhận người sử dụng đất là hai vợ chồng tôi.
Đầu năm 2020, vợ tôi bị Tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi muốn bán thửa đất này đi để lo cho vợ và ổn định cuộc sống. Vậy liệu tôi có thể bán mảnh đất này được không?
- Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Theo thông tin anh cung cấp thì có thể thấy quyền sử dụng 105 m2 đất nêu trên là tài sản chung của vợ chồng anh.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự thì “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.
- Điều 136 Bộ luật Dân sự có quy định về các trường hợp đại diện theo pháp luật của cá nhân, một trong các trường hợp đại diện theo pháp luật của cá nhân là “Người giám hộ đối với người được giám hộ”.
- Điều 53 Bộ luật Dân sự quy định về người giám độ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự “Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ”, tuy nhiên, để trở thành người giám hộ, anh cần đáp ứng các điều kiện như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện càn thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; không phải là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác…
- Khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì anh đương nhiên trở thành người giám hộ của vợ anh và theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự thì anh có trách nhiệm quản lý tài sản của vợ anh như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ anh vì lợi ích của vợ anh. Tuy nhiên, việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
- Người giám sát việc giám hộ là người được những người thân thích của vợ anh cử ra, hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác (theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLDS). Người giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của vợ anh phải đăng ký tại UBND cấp xã (phường/thị trấn) nơi cư trú của vợ anh.
- Trường hợp không có người thân thích của vợ anh, hoặc những người thân thích không chọn được người giám sát việc giám hộ, thì UBND cấp xã cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát.
- Như vậy, anh được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng 105 m2 đất là tài sản chung của vợ chồng anh, nếu việc chuyển nhượng là vì lợi ích của vợ anh.
- Tuy nhiên đây là tài sản có giá trị lớn nên việc bán tài sản phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ như đã nêu trên, sau khi người giám sát đã thực hiện đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của vợ anh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư./.