12
Th3
BỎ QUẢN LÝ CƯ TRÚ BẰNG SỔ HỘ KHẨU GIẤY
Vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức lễ khai trương Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Đây là 02 Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nền kinh tế xã hội số; góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói cách khác, việc hoàn thành dự án này là điều kiện đủ để bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Theo Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), thì với tiến độ hiện nay, dự kiến đến 1/7 có thể hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn hai và vận hành một cách đồng bộ.
Theo Luật cư trú có hiệu lực từ ngày 01/07/2021, thì:
“Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.“
Như vậy, theo tinh thần của Luật cư trú năm 2020 (Có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2021), thì có thể hiểu Việt Nam sẽ tiến tới bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy từ năm 2022.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển từ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử.
Vì vậy, người dân cần tự giác khai báo khi có thay đổi liên quan đến cư trú, thay đổi các dữ liệu cá nhân như tình trạng hôn nhân…, để các trường thông tin về mỗi người trên hệ thống đều chính xác.