CẢN TRỞ QUYỀN THĂM CON SAU LY HÔN

[HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT]
Hỏi: Tôi và chồng tôi đã ly hôn, tôi được giao quyền nuôi con. Theo tôi biết là chồng cũ của tôi có quyền được thăm nom con, nhưng về phía bên gia đình tôi chỉ cho phép đến thăm, chơi chứ không cho đón về bên nhà nội thì việc này có được gọi là cản trở quyền của chồng cũ của tôi không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình thì “2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định “3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Như vậy, nếu việc chồng cũ của bạn đón con về bên nội để thăm ông bà nội là chính đáng, không nhằm cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn thì việc bạn cản trở của gia đình bạn có thể bị xem xét là “hành vi bạo lực gia đình“.
Bởi, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi “Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;” là một trong những hành vi bạo lực gia đình.
Hành vi này có thể bị xem xét xử phạt theo Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư./.
__________________________________________________
Công ty Luật Song Nguyễn TECSS
Hotline: 090.640.6868/ 0987.511.800
Email: songnguyentecss@gmail.com
Địa chỉ: Khu 4A, đường Phan Đăng Lưu, P. Hồng Hải, TP. Hạ Long, Quảng Ninh

Hotline 090.640.6868