23
Th4
Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp mua phải sản phẩm lỗi, sản phẩm kém chất lượng?
Câu hỏi: Thưa Luật sư, hai ngày trước, tôi có mua phải thực phẩm bị mốc, hôi, dù hạn sử dụng vẫn còn nhưng không biết phản ánh đến cơ quan nào và giá trị sản phẩm cũng nhỏ nên tôi đã bỏ sản phẩm đi, coi như mình xui. Thế nhưng không ít trường hợp sử dụng sản phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc giá trị sản phẩm lớn, vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này để bảo vệ người tiêu dùng và tôi cần làm gì để đòi lại quyền lợi cho mình?
Luật sư tư vấn:
Trước tiên, Anh/chị phải giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm bị lỗi cùng các giấy tờ liên quan như hóa đơn, chứng từ, phiếu bảo hành…
Trường hợp đã sử dụng sản phẩm lỗi gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng (gây ngộ độc, thương tích…) hoặc làm hư hỏng các tài sản khác, người tiêu dùng cần giữ lại các tài liệu chứng minh có thiệt hại như: chuẩn đoán của bệnh viện, đơn thuốc, viện phí, biên lai thu tiền khám chữa bệnh, đơn thuốc, hóa đơn sửa chữa…
– Theo quy định tại khoản 6 Điều 8, khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định: người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.
– Ngoài ra, khoản 4 Điều 17, Điều 61 Luật chất lượng, sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng đã quy định rõ người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu hoặc người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan, theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Anh/chị có thể thực hiện như sau:
1. Thỏa thuận với người bán hàng hoặc doanh nghiệp cung cấp sản phẩm để yêu cầu đổi trả hoặc hoàn tiền, bồi thường thiệt hại.
Ngay khi phát hiện hàng hóa bị lỗi, anh/chị liên hệ ngay người bán hàng hoặc doanh nghiệp cung cấp sản phẩm để trình bày sự việc, yêu cầu đổi trả hoặc hoàn lại tiền và đòi bồi thường thiệt hại.
2. Khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Nếu không thể giải quyết thông qua thương lượng, thỏa thuận, chị có thể gửi đơn khiếu nại kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã thu thập được tới một trong những cơ quan sau để yêu cầu giải quyết và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Chi cục Trưởng chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương; Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương; Thanh tra cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 25, Điều 26 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 34 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).
3. Khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết.
Trường hợp có căn cứ chứng minh do hàng khuyết tật gây thiệt hại cho bản thân và gia đình, anh/chị có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 41, 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc gửi đơn đến trọng tài theo quy định tại Điều 38, 39, 40 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yêu cầu giải quyết.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư./.