CHỨNG THỰC CHỮ KÝ TẠI GIẤY ỦY QUYỀN KHI NÀO?
Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền, trong khi Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Nếu như giấy ủy quyền chỉ cần được chứng thực chữ ký tại UBND xã hoặc phòng công chứng và thủ tục diễn ra khá đơn giản, thì Hợp đồng ủy quyền phải đảm bảo về mặt nội dung theo quy định pháp luật và được công chứng tại văn phòng công chứng. Sự khác biệt về tính chất giữa hai loại văn bản này đã dẫn đến nhiều trường hợp người nhận ủy quyền bị các Cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án từ chối làm việc khi sử dụng Giấy ủy quyền.
Kể từ ngày 20/04/2020, việc chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch sẽ áp dụng theo Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/03/2020 của Bộ Tư pháp. Theo đó, để chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền, việc ủy quyền phải đáp ứng điều kiện:
– Không có thù lao;
– Không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền;
– Không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Đồng thời, chỉ chứng thực chữ ký tại Giấy ủy quyền trong các trường hợp sau đây:
– Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
– Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
– Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
– Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.